Vốn ngoại ồ ạt đổ vào bất động sản
Một năm sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực, hàng loạt nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào bất động sản. Sắp tới, nhiều dự án mới được động thổ còn các dự án trùm mền sẽ được đổi chủ.
Bất động sản đứng thứ hai
Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết trong chín tháng đầu năm đã có hơn 1.000 nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký khoảng 1.128 triệu USD.
Trong đó, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 478, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2015 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 693,43 triệu USD. Có 86 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 265,57 triệu USD.
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cũng cho thấy lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn FDI vào Việt Nam với gần 30 dự án cấp mới. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% trong tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đáng chú ý nhất là dự án Midtown với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 225,6 triệu USD. Dự án này nằm ở khu Nam Viên của Phú Mỹ Hưng. Midtown được chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn một có diện tích 28.000 m2, quy mô xây dựng gồm năm tòa nhà cung cấp 1.100 căn hộ.
Ngoài đầu tư trực tiếp, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản mà cả bên mua và bên bán cũng có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn, Keppel Land đã ký kết thỏa thuận đầu tư để nắm giữ 40% vốn tại Công ty TNHH Empire City. Keppel Land sẽ đầu tư 1,2 tỉ USD để xây dựng một khu phức hợp cao 86 tầng, gồm khu căn hộ cao cấp, văn phòng, khu bán lẻ và tháp quan sát tại khu đô thị Thủ Thiêm.
Tiếp đó là các thương vụ có giá trị như Tập đoàn Mapletree của Singapore mua lại Tòa nhà Kumho Asiana Plaza với giá 215 triệu USD. Quỹ đầu tư Frasers Centrepoint Limited Singapore mua 70% cổ phần trong Dự án G Homes từ Tập đoàn An Dương Thảo Điền…
Tuy nhiên, thương vụ đình đám và có giá trị lớn nhất kể từ đầu năm đến nay là việc Công ty Chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc phối hợp cùng với Tập đoàn AON BNG chi 350 triệu đôla để thâu tóm tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower.
Nhà đầu tư Nhật dẫn đầu
Theo CBRE, chín tháng qua Việt Nam thu hút 16,4 tỉ USD vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm từ 1.820 dự án. So với cùng kỳ năm 2015, vốn FDI có giảm 4% nhưng vẫn được đánh giá là mức khả quan trong khu vực. Trong số này, 6% dòng vốn đổ vào hoạt động kinh doanh bất động sản.
Với những tín hiệu tích cực nêu trên, kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2016 được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Thị trường bất động sản vì vậy cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều diễn biến tích cực và sôi động trong những tháng cuối năm 2016.
Nhà đầu tư ngoại mới nhất tại TP.HCM là Liên doanh Maeda của Nhật. Liên doanh này và Công ty Thiên Đức phát triển dự án Waterina tại quận 2. Maeda cũng là đơn vị thi công đoạn đi ngầm trong quận 1 của tuyến Metro số 1.
Waterina là dự án cao cấp tại quận 2 với 86 căn hộ. Trong đó phần lớn là các căn hộ thông tầng với các tiêu chuẩn hoàn thiện và tiện ích cao cấp. Đây là dự án nhà ở đầu tiên của Tập đoàn Maeda tại Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, được triển khai xây dựng trên quy mô 2.00 m2.
Tương tự, Tập đoàn Kajima của Nhật cũng ký kết thỏa thuận với Indochina Capital để thành lập liên doanh chuyên về đầu tư bất động sản tại thị trường Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD trong 10 năm.
Đây là lần đầu tiên Tập đoàn Kajima đầu tư vào Việt Nam với vai trò là nhà đầu tư phát triển dự án. Liên doanh này sẽ mua lại các dự án bất động sản của doanh nghiệp trong nước.
Quỹ đầu tư Creed Group đã tham gia góp vốn để triển khai dự án River City có quy mô 11,25 ha tại quận 7. Dự án này có tổng vốn đầu tư vào khoảng 12.000 tỉ đồng với 8.000 căn hộ, văn phòng và cửa hàng với mật độ xây dựng là 23,6%.
Còn Tập đoàn Mitsubishi ký kết với Tập đoàn Bitexco để thành lập một liên doanh phát triển dự án nhà ở với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 290 triệu USD. Các công ty con chuyên đầu tư vào mảng bất động sản của Mitsubishi cũng đã hợp tác liên doanh với Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc để thực hiện dự án Khu phức hợp Thủ Thiêm Eco Smart City tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tổng số vốn đầu tư mà liên doanh Lotte cam kết rót vào Khu phức hợp Thủ Thiêm Eco Smart City khoảng 2,2 tỉ USD. Dự án này có diện tích khoảng 16,71 ha bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng, chung cư… Dự án này sẽ được động thổ vào đầu năm 2017.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng trọng tâm kinh doanh đến Việt Nam. Bằng hình thức mua bán sát nhập hoặc liên doanh liên kết, các nhà đầu tư ngoại đang cố gắng để có được chỗ đứng trên thị trường. Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi vì có thêm nguồn cung.