Thủ Thiêm “nóng”, vì sao?

[ad_1]

Bán đảo Thủ Thiêm (quận 2 – TP HCM) được xem là vị trí đắc địa khi nằm cách trung tâm TP chỉ con sông Sài Gòn. Năm 1996, quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) chính thức được Thủ tướng chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 367 ngày 4-6. Quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTMTT căn cứ vào cơ sở pháp lý là Nghị định 91 ngày 17-8-1994 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị.

Nhiều lần điều chỉnh ranh quy hoạch

Theo Quyết định 367, KĐTMTT được quy hoạch là một khu đô thị mới hiện đại, trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ với quy mô 930 ha. Trong đó, khu đô thị mới 770 ha với dân số khoảng 200.000 người; khu tái định cư với dân số 45.000 người. Quy hoạch phân khu chức năng KĐTMTT gồm khu trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ 92 ha; khu trung tâm hội chợ, triển lãm quốc tế 100 ha; khu nhà ở cao cấp 55 ha; khu trung tâm văn hóa, du lịch, giải trí 100 ha; công viên trung tâm 95 ha; khu trung tâm hành chính 18 ha và đất dành cho giao thông là 177 ha.

Sau khi có Quyết định 367 của Thủ tướng, năm 1998 TP HCM ra Quyết định 13585 về Phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 KĐTMTT nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch và để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng khu đô thị mới. Ranh của khu đô thị này căn cứ theo bản đồ được duyệt (Quyết định 13585) với quy mô 618 ha, không kể diện tích sông Sài Gòn và khu tái định cư 42 ha.

Thủ Thiêm nóng, vì sao? - Ảnh 1.

Khu đô thị Sala đang là biểu tượng của sự “giàu sang” của KĐTMTT.

Đến năm 2002, căn cứ Quyết định 367, UBND TP đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án ở 5 phường: Bình An, Bình Khánh, An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và kế tiếp là thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tại phường An Phú, quận 2.

Đến 9 năm sau, TP HCM ra quyết định thay thế quyết định của Thủ tướng. Cụ thể, ngày 27-12-2005, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua ký Quyết định 6565 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đó, quy hoạch chung của KĐTMTT được thay đổi khá nhiều so với Quyết định phê duyệt ban đầu của Thủ tướng. Cụ thể, khu trung tâm rộng 737 ha, gồm có khu đô thị phát triển mới rộng 657 ha, khu đô thị chỉnh trang là 80 ha. Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực là khu lõi trung tâm chính, khu đa chức năng đại lộ Đông Tây, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư phía Đông và khu lâm viên sinh thái phía Nam.

Từ đó đến nay, UBND TP HCM có thêm 2 quyết định nữa liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KĐTMTT bằng 2 quyết định là 6566/2005 và 3165/2012 đi kèm các bản vẽ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000. Tuy nhiên, diện tích không thay đổi so với Quyết định 6565 là 657 ha. Quyết định 3165 của UBND TP, Thủ Thiêm được quy hoạch thành 8 khu chức năng, kết nối với trung tâm TP bằng 5 cây cầu và đường hầm là Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2, Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4, cầu đi bộ và hầm Thủ Thiêm. Từ đó đến nay, quy hoạch Thủ Thiêm được thực hiện theo quy hoạch này. Diện tích khu vực quy hoạch là khoảng 657 ha thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh.

Chưa như kỳ vọng

Sau 22 năm thực hiện quy hoạch, KĐTMTT đã có nhiều khu đô thị hiện đại, dự án trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp cũng đã và đang được xây dựng. Trong đó, nổi bật nhất là khu đô thị Sala, nằm ngay trung tâm KĐTMTT. Những ngày này, đi trên đường Mai Chí Thọ, ai cũng dễ dàng nhận thấy độ hoành tráng của khu đô thị Sala. 

Và ai cũng choáng ngợp nếu cho xe chạy qua cổng chính vào những con đường nội bộ trong khu đô thị này. Hai bên đường là những văn phòng, trung tâm thương mại, nhà phố sang trọng nối tiếp nhau đã được đưa vào sử dụng. 

Khung cảnh chẳng khác các khu đô thị hiện đại nào đó ở châu Âu. Chưa kể, một đại công trình Sala với khu dinh thự, biệt thự thương mại, nhà văn hóa, trường học, bệnh viện… nằm ở một khu vực khác của khu đô thị này đang thi công phần thô, hứa hẹn sẽ hình thành nên một “khu phố” đẳng cấp.

Ấy vậy mà, cách khu đô thị Sala hoành tráng không xa, theo lời chỉ đường của một người dân sống tại Thủ Thiêm, chúng tôi đi thẳng hết đường Nguyễn Cơ Thạch (con đường chính của khu đô thị Sala), rẽ trái vào con đường đá xanh lởm chởm, nước ngập lênh láng khoảng 500-700 m xuất hiện một dãy nhà tạm bợ nối liền nhau thuộc khu phố 1, phường Bình An. Nhẩm đếm dãy nhà có khoảng chục căn.

Thủ Thiêm nóng, vì sao? - Ảnh 2.

Đằng sau sự hào nhoáng của khu đô thị Sala vẫn còn khu nhà tạm bợ của những cư dân Thủ Thiêm quyết bám trụ vì không chấp nhận giải tỏa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhìn qua, nhiều người nghĩ đây là những căn nhà bỏ hoang nhưng thực ra hiện vẫn còn khoảng 5 hộ gia đình sinh sống. Theo những hộ dân nơi đây, sở dĩ họ chấp nhận sống trong điều kiện tạm bợ và tồi tàn như vậy là vì họ không chấp nhận việc giải tỏa. Theo bà Nguyễn Thị Giáp, căn cứ vào Quyết định số 367 năm 1996 của Thủ tướng thì khu phố 1, phường Bình An không nằm trong quy hoạch KĐTMTT. Tuy nhiên, sau đó (năm 1998), TP HCM ban hành Quyết định 13585 về quy hoạch chi tiết 1/2.000 thì đất của bà và các hộ dân ở đây được thông báo nằm trong quy hoạch…

Đánh giá chung về thực hiện quy hoạch KĐTMTT, các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, đô thị cho rằng ngoài cầu Thủ Thiêm 1, hầm Thủ Thiêm thông xe kết nối bán đảo với trung tâm TP; trục đường chính của Thủ Thiêm đại lộ Mai Chí Thọ kéo dài từ xa lộ Hà Nội đến hầm đã kết nối với đại lộ Đông Tây thì tiến độ đầu tư các cơ sở hạ tầng thời gian qua là “rùa bò”, chưa thật sự xứng tầm với vai trò là khu trung tâm mới của TP HCM sau ngần ấy năm quy hoạch. Bởi ngoài các công trình hạ tầng nêu trên, còn lại các cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4 kết nối bán đảo Thủ Thiêm với các quận trung tâm còn đang xây dựng dở dang. Đặc biệt, ngoài khu đô thị Sala đã nên hình thì các dự án tỉ đô quy mô lớn khác đến giờ vẫn chỉ được nhắc trên giấy.

Khó tính mức đầu tư 4 con đường ở KĐTMTT?

Tiến sĩ Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM – cho rằng nhìn cảm quan và so sánh chung chung thì người ta cứ cho rằng suất đầu tư 4 tuyến đường của Đại Quang Minh ở KĐTMTT với số tiền hơn 8.000 tỉ đồng là cao. Tuy nhiên, chúng ta rất khó để chứng minh là nó cao hay thấp trong khi việc này cần phải có những nhà chuyên môn, có thẩm quyền tìm hiểu, xem xét rất nhiều chi tiết. Trong đó ở mỗi vị trí đất, địa hình, con đường ở mỗi nơi đều khác nhau.

S.Nhung

Đoàn ĐBQH TP HCM tiếp xúc cử tri quận 2

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc người dân Thủ Thiêm khiếu kiện nhiều năm nhưng đến thời điểm hiện tại Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM mới lên kế hoạch giám sát, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng Đoàn ĐBQH TP khóa này là khóa mới, 2/3 đại biểu là mới nên không xuyên suốt được vụ việc. Có những đại biểu mới trúng cử cũng không biết gốc gác vụ việc như thế nào, chứ không phải khiếu nại 20 năm nay giờ mới tính đến chuyện giám sát.

Theo ông Khuê, bao nhiêu năm nay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đảng bộ và chính quyền TP đều xuất phát từ lợi ích của người dân. Những năm qua TP đã làm được rất nhiều việc, tạo ra bệ phóng cho TP như ngày hôm nay. Nhưng phải nhìn một cách công tâm là bên cạnh những việc làm tốt phải thấy rằng cũng có những cái còn thiếu sót. Thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện, có những cán bộ các cơ quan chức năng chuyên môn nắm không vững, hoặc có thể giải thích không tận tình, không thấu đáo, thiếu một cái tâm. Với kế hoạch giám sát sắp tới sẽ tạo cho các ĐBQH được tiếp cận một cách thấu đáo, đầy đủ sự việc. Qua đó có cơ sở giải thích với cử tri thật rõ, tạo sự đồng thuận. Giám sát cũng để xem xét việc xử lý tại KĐTMTT đã đúng quy định chưa, từ đó có những điều chỉnh. Theo lịch tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XIV, vào chiều nay (9-5), các ĐBQH TP sẽ tiếp xúc với cử tri quận 2, ông Khuê hy vọng cả cử tri và chính quyền địa phương đều cùng hướng về việc làm sao tháo gỡ và có hướng giải quyết sớm nhất để tình hình ở quận 2 không còn căng thẳng, tạo điều kiện để KĐTMTT phát triển như định hướng.

N.Phan

Kỳ tới: Rối bời kiện tụng

[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *