[ad_1]
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra liên quan đến việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội (giai đoạn 2003-2016).
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn TP có 69 dự án với tổng diện tích 180 ha đất đã được chuyển đổi sang vị trí khác. Thanh tra Chính phủ đã thanh tra trực tiếp tại 38 dự án, kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm.
“Đua nhau” nợ tiền sử dụng đất
Tại dự án khu chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê tại Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội) do Tổng Công ty Thành An làm chủ đầu tư, diện tích đất sử dụng hơn 9.140 m2.
Nguồn gốc đất tại dự án này là đất quốc phòng, do Tổng Công ty Thành An được Thủ tướng Chính phủ giao sử dụng. Sau khi Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ có văn bản, tháng 12-2009, UBND TP Hà Nội quyết định cho phép tổng công ty chuyển mục đích sử dụng 8.344 m2 đất quốc phòng sang đất xây dựng dân dụng, đồng thời thu hồi thêm 806 m2 đất công giao cho công ty. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích SDĐ này chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ xác định số tiền SDĐ, tiền thuê đất trả một lần phải nộp là hơn 250 tỉ đồng nhưng tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Phải đến khi kết thúc thanh tra (ngày 29-9-2017), chủ đầu tư mới nộp 9,5 tỉ đồng, còn nợ hơn 240 tỉ đồng.Thanh tra Chính phủ cho hay kiểm tra 38 dự án thì tại thời điểm thanh tra có tám dự án còn nợ đọng tiền SDĐ, thuê đất, chậm nộp với số tiền hơn 1.900 tỉ đồng.
Dự án trung tâm thương mại, văn phòng , căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy phải nộp bổ sung hơn 400 tỉ đồng. Ảnh: TUYẾN PHAN
Định giá thấp, không đấu giá các khu đất công đắc địa
Kết luận Thanh tra Chính phủ khẳng định UBND TP Hà Nội đã không có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích SDĐ, đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế kinh doanh chưa sát thị trường.
Một số doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, dẫn tới thu về cho Nhà nước số tiền thấp.
“Việc pháp luật không quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền SDĐ cũng như đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh, liên kết để chuyển mục đích SDĐ thực hiện dự án là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước, đặc biệt là khi dự án đất ở những vị trí đắc địa” – kết luận nhấn mạnh.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc tính toán và phê duyệt giá trị tiền SDĐ đối với các dự án chuyển đổi mục đích SDĐ đã không căn cứ Thông tư 145/2017 của Bộ Tài chính và Thông tư 36/2014 của Bộ TN&MT, dẫn tới các chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế trong khi ngân sách nhà nước thất thu số tiền rất lớn.
Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án, số tiền phải nộp là hơn 1.480 tỉ đồng. Riêng dự án trung tâm thương mại, văn phòng , căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy, chủ đầu tư đã chuyển một phần diện tích từ đất thuê trả tiền hằng năm sang hình thức giao đất có thu tiền SDĐ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Do vậy, số tiền phải bổ sung là hơn 400 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra ở các dự án chuyển đổi mục đích SDĐ là hơn 3.900 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của PV Pháp Luật TP.HCM về việc TP Hà Nội sẽ xử lý những sai phạm trong SDĐ công tại các doanh nghiệp nhà nước sau khi có kết luận thanh tra này như thế nào, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho hay TP sẽ thực hiện nghiêm kết luận thanh tra theo quy định. Theo đó TP phân loại, rà soát, kể cả dự án chậm tiến độ, dự án mà Thanh tra Chính phủ đã thống kê và chỉ ra để thực hiện theo quy định và chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Trường hợp nhà đầu tư chậm, không thực hiện thì sẽ bị xử lý theo quy định.
Source link