Không được cấp phép bất cứ dự án nào tại Long Thành, Địa ốc Alibaba vẫn rao bán đất nền rầm rộ

[ad_1]

Thời gian qua, 2 công ty trên đã bắt tay nhau bán đất nền ở 21 dự án (do Địa ốc Alibaba tự đặt tên) khác nhau trên địa bàn các xã Phước Bình, Long Phước, An Phước, Phước Thái thông qua các website:  http://diaocalibaba.vn, http://diaocalibaba.com.vn, các trang mạng điện tử về bất động sản và mạng xã hội như: Zalo, Facebook. Hàng trăm người dân trong và ngoài tỉnh đã tin tưởng đặt cọc mua đất nền của 2 công ty trên.

Trong đó, tại xã Phước Bình Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba rao bán 3 vị trí là dự án Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III. Xã An Phước có 1 dự án Alibaba An Phước ở ấp 5. Xã Long Phước, Phước Thái có 17 dự án là Alibaba 1, 2… đến Alibaba 16 và dự án Khu dân cư quốc tế Lilama.

Những vị trí mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp rao bán phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch làm giao thông và đang thuộc quyền sở hữu của các cá nhân. 

Cụ thể, dự án Alibaba Central Park được quảng cáo trên website và nhiều trang mạng bất động sản có quy mô 20 hécta, với 1.259 lô đất thực chất đang thuộc quyền sử dụng đất của bà Trần Thị Phương Trang, ông Phan Văn Hết, bà Nguyễn Thị Chiêu. Khu đất trên được huyện Long Thành quy hoạch làm Cụm công nghiệp Phước Bình. 

Thế nhưng, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp tự thiết kế giao thông ngang dọc khu đất kết nối ra quốc lộ 51 và chia đất ra những lô nhỏ rồi bán. Tại nhiều dự án mà 2 công ty trên quảng bá, rao bán cũng thuộc đất sở hữu riêng của các cá nhân và đều là đất sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Long Thành, ông Võ Tấn Đức khẳng định, Công ty CP địa ốc Alibaba cho đến thời điểm hiện tại không được cấp phép dự án nào trên địa bàn huyện Long Thành. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ việc công ty này đang rao bán dự án đất nền tràn lan tại địa phương.

Theo UBND huyện Long Thành, từ cuối năm 2017 huyện đã có thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, cắm biển cấm mọi hình thức mua bán, làm hạ tầng, tự ý tách thửa… tại xã Long Phước nhằm ngăn chặn một số công ty bất động sản lừa dân bán đất dự án khi chưa được cấp phép đầu tư.

Nhưng nhiều người dân vẫn tin vào các chiêu quảng cáo của công ty bất động sản mà không chịu tìm hiểu kỹ thủ tục pháp lý của dự án nên đã bị lừa. Các công ty bất động sản trên lách luật bằng cách không ký hợp đồng mua bán mà ký hợp đồng góp vốn đầu tư dự án, sau đó trả bằng nền đất. Khi những nhà đầu tư biết mình bị lừa, đi kiện sẽ rất khó khăn.

Trước đó, UBND huyện Long Thành cũng đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng thanh tra tình hình hoạt động của các công ty, đơn vị kinh doanh bất động sản trên địa bàn huyện, nhằm làm rõ những dự án khu dân cư nào có cơ sở pháp lý; những doanh nghiệp, cá nhân nào lợi dụng tiếp thị chào bán các khu đất tự phân lô không có cở sở pháp lý rõ ràng… để kịp thời ngăn chặn các hoạt động kinh doanh bất động sản trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Hiện UBND huyện Long Thành đã chỉ đạo Công an huyện điều tra làm rõ việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba bán đất nền trên địa bàn huyện, đồng thời UBND huyện cũng thành lập tổ kiểm tra, góp phần làm rõ vi phạm của những doanh nghiệp, cá nhân khác lợi dụng bán đất nền trái phép.

UBND huyện Long Thành vừa có văn bản kiến nghị Sở Thông tin – truyền thông kiểm tra, có biện pháp xử lý các thông tin quảng cáo rao bán đất nền khi chưa đủ điều kiện. Huyện Long Thành cũng đề xuất các cơ quan báo, đài hỗ trợ đưa tin thường xuyên để người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận biết, không mua đất nền ở những dự án khu dân cư chưa được cấp phép đầu tư trên địa bàn huyện của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp và những dự án chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Theo Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Đồng Nai, các dự án dù bán đất nền hay làm nhà ở thì chủ đầu tư cũng phải hoàn tất hạ tầng và được Sở Tài nguyên – môi trường, Sở Xây dựng phê duyệt thì mới đảm bảo yêu cầu; hoàn tất, ra sổ hồng riêng cho từng thửa đất, căn nhà thì chủ đầu tư mới được tiến hành sang nhượng.

Theo đó, hầu hết các dự án khu dân cư, chung cư đều tiến hành mở bán từ khi mới khởi công nhưng chính quyền không thể xử lý vì trong các hợp đồng đều ghi là góp vốn. Những người mua đất, nhà kiểu này sẽ gặp rủi ro rất cao. Vì là góp vốn nên trong trường hợp xảy ra trục trặc, chủ đầu tư kéo dài dự án không giao đất như hợp đồng, chậm giao sổ hồng thì người mua phải gánh chịu”.

Người dân khi có nhu cầu mua bán đất tại các khu dân cư hãy liên hệ trực tiếp với xã, huyện nơi có dự án để biết rõ các thông tin về pháp lý tránh bị lừa.

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa, trên địa bàn thành phố đang triển khai 48 dự án khu dân cư, trong đó có 5 khu dân cư chưa có hồ sơ. Khu vực xã Tam Phước, Phước Tân là nơi đang có nhiều dự án đất nền được rao bán tràn lan. 

Tuy nhiên khu vực này chỉ có 3 dự án được cấp phép đầy đủ là khu tái định cư xã Phước Tân do Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư. Xã Tam Phước có 2 dự án khu dân cư, tái định cư của Tổng công ty Tín Nghĩa và Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Phú Tín.

UBND huyện Trảng Bom cho biết huyện có 5 dự án khu dân cư đang triển khai gồm: dự án khu dân cư Bảo Minh (ở thị trấn Trảng Bom), dự án Diamond City, dự án của Tổng công ty cao su Đồng Nai (đều ở xã Đồi 61), dự án Sonadezi Giang Điền (ở xã Giang Điền) và dự án khu dân cư ở xã An Viễn. Do đó, người dân không nên tin theo quảng cáo của doanh nghiệp đặt cọc mua đất nền dự án khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý để tránh bị lừa.

[ad_2]
Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *