Khánh Hòa ra văn bản siết chặt, doanh nghiệp BĐS du lịch lo lắng

Một văn bản gây khó hiểu

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành văn bản số 12143/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nguyên nhân gây tranh cãi trong văn bản kể trên nằm tại điều 2, có nội dung:

“Yêu cầu Sở KHĐT kiểm tra xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn DN để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách”.

“Trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn DN liên quan đến các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, do UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư yêu cầu Sở KHĐT phải kiểm tra lấy ý kiến các ngành liên quan và báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến”.

Khoản a, điều 2 trong văn bản vừa ban hành của ông Lê Đức Vinh gây nhiều lo ngại cho giới kinh doanh BĐS.

Theo các DN là chủ đầu tư dự án BĐS du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, quy định trên không những gây khó hiểu cho DN, nguy cơ tác động không tốt đến môi trường và cơ hội đầu tư tỉnh nhà, mà khả năng còn trái với Luật Doanh nghiệp

Cụ thể, tỉnh muốn quản lý và phát hiện ra các dự án sai phạm nhưng phải thực hiện các biện pháp áp dụng theo quy định của Luật đầu tư, nếu dự án bị phát hiện sai phạm có thể xử phạt hoặc thậm chí bị thu hồi.

Một dự án BĐS tại Nha Trang. Ảnh: PV.

Nếu phát hiện ra dự án bị sai phạm, thì trong một số trường hợp không thể cấm chủ đầu tư dự án thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi cổ đông, tăng vốn hoặc giảm vốn vì đây là quyền hợp pháp của DN được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Cần được điều chỉnh

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam – nêu quan điểm: “Khoản a, điều 2 là trái với tinh thần và quy định của Luật Doanh nghiệp”.

Theo ông Nam, chủ đầu tư các dự án hầu hết là pháp nhân DN không phải cá nhân. Luật Doanh nghiệp khuyến khích DN tăng vốn, cho phép thay đổi người đại diện, sang nhượng cổ phần…

Cũng theo lời vị Chủ tịch Hiệp hội BĐS, việc thay đổi cổ đông và các quyết định chuyển nhượng nhiều khi không thuộc thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa nếu như DN đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác.

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam – tỏ rõ sự lo lắng cho tương lai của thị trường BĐS du lịch tại Khánh Hòa.

Ông Đính nói: BĐS nghỉ dưỡng là sản phẩm chủ đạo tạo ra hạ tầng về cơ sở lưu trú cao cấp mà đây là căn bản chính để thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam.

Trong nhiều năm qua lượng khách du lịch tăng lên nhanh do vậy cần phải khẩn trương tạo ra cơ sở hạ tầng lưu trú để đáp ứng lượng khách du lịch quốc tế.

Theo khảo sát, tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay không chỉ BĐS du lịch mà cả BĐS nói chung đều đang chậm, trong đó ngoài nguyên nhân do năng lực của chủ đầu tư thì có có cả nguyên nhân từ chính quyền. Cụ thể rất nhiều dự án chậm trong phê duyệt, cấp các giấy phép.

Do vậy nếu muốn thị trường phát triển thì chính quyền địa phương cần phải tạo cơ chế thông thoáng, giảm tiêu cực để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp.

Luật sư La Văn Thái. Ảnh:PV.

Dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ – Luật sư La Văn Thái (Giám đốc TNHH Luật Tầm nhìn và Thịnh Vượng) cho rằng, văn bản vừa ban hành của UBND tỉnh Khánh Hòa không nêu rõ là cấm (hoặc không cho phép) chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong DN.

Tuy nhiên, văn bản lại chứa nội dung bất lợi cho các DN khiến người dân, DN và cơ quan cấp dưới có quyền có thể hiểu là UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo soạn thảo văn bản, quy định cấm chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần, thành viên góp vốn…

“Trường hợp có quy định cấm thì buộc phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh bởi nó không những trái các quy định của pháp luật mà nó còn không đúng với tinh thần “Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Chính phủ” – vị luật sư thẳng thắn bày tỏ.

Với quy định này, có thể hiểu những DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ chịu “thiệt thòi” hơn những DN ở địa phương khác hoặc đã lên sàn chứng khoán.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *