[ad_1]
UBND TP Cần Thơ vừa đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét, thống nhất chủ trương cho mở tuyến tàu cao tốc từ TP Cần Thơ đi Côn Đảo. Theo đề xuất của TP Cần Thơ, tuyến sẽ đi dọc theo sông Hậu đến cảng Trần Đề khoảng 90 km, sau đó đi từ cảng Trần Đề – Sóc Trăng đến cảng Bến Đầm – Côn Đảo khoảng 105 km. Dự kiến, thời gian hành trình từ TP Cần Thơ đi cảng Bến Đầm – Côn Đảo vào khoảng 3 giờ đến 3 giờ 30 phút tùy thời tiết.
Mất cân đối khách nội – ngoại
Động thái trên của Cần Thơ, theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị, nếu được thông qua thì có thể nói là đường thủy đã hoàn toàn lấn át đường không trong chuyện vận chuyển hành khách từ đất liền ra Côn Đảo và theo đó, lượng khách nội sẽ lấn át khách ngoại.
Nhận định của các chuyên gia là có cơ sở, nếu nhìn vào lượng khách nội ra Côn Đảo trước và sau khi tàu Superdong khai thác 2 chuyến Sóc Trăng – Côn Đảo với hơn 600 khách/ngày đưa vào hoạt động cuối năm 2017. Ở những chuyến tàu này, du khách chỉ mất 2,5 giờ để ra Côn Đảo với mức giá chỉ 300.000 đồng; trong khi đi máy bay phải mất tầm 2 triệu đồng mà thời gian tiêu tốn vẫn tương tự.
Lượng khách tăng phi mã khiến Côn Đảo đối diện với chuyện vỡ quy hoạch phát triển du lịch và kinh tế – xã hội
Thế nên, thống kê 6 tháng đầu năm 2018, cho thấy Côn Đảo đón hơn 153.000 lượt khách, với tổng doanh thu đạt 730 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng tháng 6 đã có đến hơn 41.000 lượt khách với doanh thu 187 tỉ đồng. So với những năm trước, đà tăng trưởng của du lịch đang phát triển mạnh với nguồn thu cao, tăng 41% so với cùng kỳ.
Cũng theo thống kê, khách quốc tế là đối tượng mà du lịch Côn Đảo hướng đến nhưng lượng khách quốc tế đến với Côn Đảo đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ có 2.218 lượt, doanh thu chỉ đạt 14 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Các chủ resort, khu du lịch ở Côn Đảo cho rằng việc đặt vé đi Côn Đảo của khách nước ngoài gặp khó khăn, ngoài ra việc quảng bá, xúc tiến du lịch trên các kênh nước ngoài trong 2 năm qua không được thực hiện. Đó chính là những nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế giảm mạnh. Đây là điều đáng lo ngại.
Vỡ…
Ông Trịnh Hàng – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh BR-VT, nói rằng theo quy hoạch, năm 2030 Côn Đảo sẽ đón 300.000 lượt khách, trong đó 40% lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, dự kiến đầu năm 2019, chậm nhất là 2020 lượng du khách đã vượt quy hoạch được phê duyệt. Điều này đang khiến chính quyền địa phương lo lắng, bởi hạ tầng để phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là vấn đề về điện, nước, xử lý rác và nước thải.
Cụ thể, Côn Đảo đang phải chịu sức ép rất lớn từ việc phải tăng thêm cơ sở lưu trú trong khi đó, tính đến thời điểm hiện nay, Côn Đảo mới có 57 cơ sở lưu trú hoạt động kinh doanh du lịch, với sức chứa 955 phòng. Con số này là rất hạn chế so với lượng khách tăng cao như hiện tại. Chính vì vậy, vào mùa cao điểm, đến Côn Đảo sẽ không khó để bắt gặp cảnh du khách không có chỗ nghỉ phải thuê lều, bạt vui chơi, ăn uống và ngủ tại các bãi biển, gây ra cảnh xả rác và nhếch nhác. Đó là chưa kể, tình trạng mất trộm đã xảy ra trên đảo này, dù trước đây chuyện này không hề xảy ra.
Riêng tình trạng khan hiếm nguồn nước, lưới điện chưa được đầu tư, lương thực chưa tự chủ thì đến nay, Côn Đảo vẫn loay hoay tìm hướng ra để phát triển. “Sợ nhất là việc Côn Đảo có thể bị cô lập trong mùa mưa bão khi các chuyến bay và chuyến tàu phụ thuộc vào thời tiết hằng ngày. Chỉ cần tàu và máy bay bị đình, thì hàng ngàn du khách sẽ bị kẹt lại trên đảo trong khi điều kiện sinh hoạt chưa đủ đáp ứng, cơ sở lưu trú thì có hạn, lương thực chưa tự chủ” – ông Hàng lo ngại.
Từ những lo ngại trên, ông Hàng thông tin Sở Du lịch tỉnh BR-VT không ủng hộ việc UBND TP Cần Thơ vừa đề nghị mở tuyến tàu cao tốc từ TP Cần Thơ đi Côn Đảo. Ông Hàng cho rằng dù không thể hạn chế lượng khách ra đảo nhưng Sở Du lịch tỉnh BR-VT đã có ý kiến về việc hạn chế mở thêm các tuyến tàu và sẽ thường xuyên có ý kiến về vấn đề này.
Lý do ông Hàng đưa ra là bây giờ nên tập trung nâng chất cho tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo. “Chúng tôi đã và đang ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau, đo lường đưa ra phương án tối ưu, làm sao để vừa phát triển được du lịch vừa bảo vệ được hệ sinh thái tại đảo đúng như chủ trương của UBND tỉnh đề ra” – ông Trịnh Hàng chia sẻ.
Nên hướng đến du lịch cao cấp
Trong những ngày tìm hiểu đề tài này, chúng tôi gặp rất nhiều du khách cùng không ít các hướng dẫn viên du lịch hoạt động ở Côn Đảo và hầu như ai cũng đề cập việc Côn Đảo cần được xây dựng thành nơi có điểm nhấn về du lịch thật sự cao cấp, bởi Côn Đảo xứng đáng được nhiều hơn.
Cao cấp ở đây không có nghĩa là phải xây dựng cơ sở vật chất cao cấp mà cao cấp gắn liền với hệ sinh thái, gắn liền với cung cách phục vụ. Do đó, hiện tại nếu thấy Côn Đảo đã quá tải thì cũng nên nghĩ đến việc hạn chế lượng du khách, hạn chế cấp phép xây dựng. Việc này, nhiều quốc gia trên thế giới đã làm và đem lại hiệu quả sớm vừa bảo đảm môi trường sạch, tránh áp lực cho hệ sinh thái.
Một bằng chứng hùng hồn nhất để Côn Đảo có thể quan sát và học tập chính là đảo Bali của Indonesia. Đảo này so về cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng đều thua xa Côn Đảo. Thế nhưng, điều khiến Bali trở thành thiên đường du lịch của thế giới là khi tới đây, họ sẽ cảm thấy như về nhà.
Người dân tại đây từ bà bán hàng rong đều có thể nói tiếng Anh lưu loát. Còn tại Côn Đảo, đề án học tiếng Anh đã có nhưng khi áp dụng lại chưa thành công. Để làm du lịch cao cấp, trong số 7.000 dân Côn Đảo thì thấp nhất cũng phải 4.000 người giao tiếp được tiếng Anh, không nhất thiết phải lưu loát nhưng phải biết.
Quay lại chuyện ở Côn Đảo, ai cũng nhìn nhận giá trị lịch sử, tâm linh ở đây thì không cần phải nói nhiều. Nhưng để giá trị này lôi kéo du khách thì cũng cần phải trùng tu đúng cách, cần có hệ thống mô phỏng 3D; cần có những máy thuyết minh tự động được dịch ra nhiều thứ tiếng, du khách nước ngoài chỉ cần đeo tai nghe, vừa tiện lợi vừa là cách quảng bá du lịch, lịch sử, văn hóa một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.
Cuối cùng, những hướng dẫn viên nhiều năm gắn bó với Côn Đảo khuyên rằng chính quyền nên tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm, tự cung cấp được cho đảo ít nhất 1 tháng; chuẩn bị kho dự trữ lương thực, thuốc men để Côn Đảo có thể tự lo được khi thời tiết diễn biến xấu tàu và máy bay không ra được.
Source link