Ba sân bay lớn với hàng loạt sai phạm trong xây dựng

[ad_1]

Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có kết luận thanh tra liên quan đến hàng loạt sai phạm tại dự án nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng; nhà ga hành khách quốc tế sân bay Cam Ranh và nhà để xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất.

Vi phạm Luật Đầu tư và vượt thẩm quyền

Theo kết luận, dự án nhà ga hành khách quốc tế sân bay Cam Ranh do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các nhà đầu tư khác tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh để đầu tư thực hiện hiện dự án.

Tổng mức đầu tư dự án là 3.735 tỉ đồng. ACV góp 10% vốn điều lệ; Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương 30%; Công ty SXTM dịch vụ Yên Khánh 25% (sau đó chuyển hết cổ phần cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương); Công ty CP Vietjet 15%; Công ty dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài 20 % (sau đó công ty này không tham gia, thay vào đó là Công ty cổ phần giao nhận hàng hoá Nasco và Công ty cổ phần Việt Xuân Mới).

Ba sân bay lớn với hàng loạt sai phạm trong xây dựng - Ảnh 1.

Lễ khởi công nhà ga hành khách quốc tế sân bay Cam Ranh. Ảnh: CHKCR

Trong khi đó, nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng có tổng mức đầu tư là 3.504 tỉ đồng. Tỷ lệ góp vốn ACV góp 30 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 10%; Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long góp 120 tỉ đồng, chiếm 40%; Công ty cổ phần đầu tư AOV góp 120 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 40%; Tổng công ty xây dựng Hà Nội góp 30 tỉ đồng, chiếm 10%.

Theo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thì Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thuộc kết cấu hạ tầng hàng không, các nhà đầu tư thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công phải thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

“Việc không áp dụng đầu tư theo hình thức PPP mà áp dụng theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế trong Luật Đầu tư 2014 là chưa phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư dự án kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Do dự án không thực hiện theo hình thức PPP nên không được tiến hành ký hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, và không có phương án tài chính được xác định theo hợp đồng; dự án chưa tiến hành làm thủ tục cấp giấy phép đầu tư. Việc tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án không theo hình thức đấu thầu”, kết luận chỉ rõ.

Về chủ trương đầu tư hai nhà ga sân bay nói trên, theo điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư, quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh không quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của các bộ quản lý ngành.

Ba sân bay lớn với hàng loạt sai phạm trong xây dựng - Ảnh 2.

Một góc nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng. Ảnh: HH.

“Hiện nay, Cam Ranh, Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội là bốn khu vực mà hoạt động khai thác cảng hàng không có lãi để bù lỗ cho đại đa số các cảng hàng không ở các tỉnh, khu vực khác. Do đó, việc cho phép các nhà đầu tư khai thác tại Đà Nẵng, Cam Ranh sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ACV. Đặc biệt, giảm khả năng bù lỗ cho các cảng hàng không khác và để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho tương lai của ACV”, kết luận nêu.

Kết luận cũng chỉ rõ, hai dự án này có sử dụng đất nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án không theo hình thức đấu thầu là chưa phù hợp với thông tư số 03 ngày 16-4-2009 của Bộ KH&ĐT. Ngoài ra, do các dự án không đầu tư theo hình thức PPP nên các nhà đầu tư phê duyệt dự án đầu tư là không đúng thẩm quyền.

Bên cạnh đó, cả hai dự án, khi đã được lập, phê duyệt và đã triển khai thi công khi chưa có hợp đồng thuê đất. Như vậy, tại thời điểm lập và phê duyệt dự án đầu tư, tính pháp lý đối với tài sản đất đai được xác định để đầu tư dự án là chưa được xác lập rõ ràng.

Sai phạm tại nhà giữ xe quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất

Trong kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dự án nhà để xe quốc nội sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất do bốn nhà đầu tư tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là Công ty cổ phần đầu tư TCP với tỷ lệ góp vốn: ACV góp 19,8 tỉ đồng, chiếm 18%; Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) góp 5,5 tỉ đồng, chiếm 5%; Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á góp 51,7 tỉ đồng, chiếm 47%; Công ty cổ phần VINA-INVEST góp 16,5 tỉ đồng, chiếm 15%; Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Tam Đảo góp 16,5 tỉ đồng, chiếm 15%.

Mục tiêu đầu tư là xây dựng nhà để xe nhiều tầng đáp ứng khoảng 1.500 xe ô tô và khoảng 3.000 xe máy với 5 tầng nổi và một tầng hầm với diện tích xây dựng 11.285m2; tổng diện tích xây dựng là 66.933m2.

Sau đó tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 604,1 tỉ đồng, hoàn thành thực tế ngày 31-12-2016. Năm 2016, Cảng hàng không miền Nam và công ty cổ phần đầu tư TCP ký hợp đồng thuê đất với diện tích 17.311m2 thời gian thuê đất là 49 năm kể từ ngày 1-1-2016.

Ba sân bay lớn với hàng loạt sai phạm trong xây dựng - Ảnh 3.

Nhà để xe ga quốc nội Tân Sơn Nhất. Ảnh: TCP.

Kết luận chỉ ra, đối chiếu với quy định tại Nghị định 102/2015 của Chính phủ thì dự án nhà để xe ga quốc nội Tân Sơn Nhất không nằm trong danh mục các công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không; không thuộc dự án buộc phải đầu tư PPP.

“Do vậy việc thực hiện đầu tư theo các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư bao gồm các việc đầu tư theo hình thức góp vốn thành lập doanh nghiệp để đầu tư dự án là chưa phù hợp”, kết luận nêu.

Ngoài ra, dự án nhà để xe này có sử dụng đất nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án không theo hình thức đấu thầu là chưa phù hợp.

Tại dự án này, kết luận thanh tra của Thứ trưởng Đông cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng như: công tác lập, trình, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư có hạng mục hầm với giá trị khoảng 24 tỉ đồng chưa khả thi, chưa phù hợp với thực tế các công trình hiện hữu. Dẫn đến thực tế hạng mục này không kết nối được với nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất. Đang dự kiến thay đổi phương án kết nối từ hầm sang cầu vượt, gây lãng phí cho dự án, tăng thời gian thu phí hoàn vốn dự án.

Ngoài ra, nhà đầu tư lựa chọn phương án kết cấu cột, dầm bằng kết cấu thép thay cho phương án ban đầu là bê tông cốt thép làm tăng chi phí dự án. Chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt dự án còn hạn chế.

Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư còn nợ nhà thầu chưa thanh toán với giá trị nghiệm thu gần 66,3 tỉ đồng… Bên cạnh các vi phạm, thiếu sót về kỹ thuật thì báo cáo kiểm toán quyết toán dự án cũng chỉ ra các sai phạm như: phê duyệt quyết toán kinh phí sửa chữa một số hạng mục chưa đúng quy định với trị giá 298 triệu đồng; một số hạng mục quyết toán vượt giá trị tổng dự toán được phê duyệt với giá trị 4,4 tỉ đồng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Kết luận của Bộ GTVT do Thứ trưởng Đông ký chỉ rõ, trách nhiệm tham mưu về chủ trương đầu tư và lựa chọn hình thức đầu tư đối với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh dẫn đến những tồn tại trong thực hiện dự án thuộc trách nhiệm của Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục Hàng không Việt Nam và ACV.

“ACV chịu trách nhiệm trong việc đề xuất dự án và phương án góp vốn không phù hợp theo quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra giám sát việc quản lý thực hiện dự án. Ngoài ra, nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công chịu trách nhiệm về những tồn tại trong quản lý và thực hiện dự án đã nêu”, kết luận cho hay.

[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *