[ad_1]
Giá đất gần trạm dừng ga tàu điện đã tăng 100%, còn những nơi khác cũng được hưởng lợi nhiều từ tuyến đường sắt đô thị này. Tuy nhiên, cũng không loại trừ, nhiều dự án bất động sản lợi dụng tâm lý người dân háo hức về tuyến đường đường sắt này để “thổi giá”.
Khu vực nào tăng giá mạnh nhất?
Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13km và đi hoàn toàn trên cao với 12 ga đi trên cao. Điểm đầu của tuyến tại nút giao cắt đường Cát Linh – Giảng Võ, đi theo đường Hào Nam, qua phố Hoàng Cầu tới đường Láng, sau đó chạy ngang qua sông Tô Lịch, rồi chạy dọc theo trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung (Hà Đông) và kết thúc tại ga Bến xe Yên Nghĩa.
Dọc theo tuyến Cát Linh – Hà Đông có nhiều tuyến đường chính có cư dân đông đúc thuộc quận Đống Đa như đường Vũ Thạnh, Hào Nam, An Trạch (thuộc phường Cát Linh); đường Đặng Tiến Đông, Thái Hà (thuộc phường Trung Liệt); đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa) và đường Nguyễn Viết Xuân (thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông). Trong đó, khảo sát cho thấy khu vực hiện có giá cao nhất chính là đường Thái Hà với giá bán xấp xỉ 400 triệu đồng/m2.
Mức giá tiếp đó giảm dần tại ba tuyến đường thuộc phường Cát Linh là An Trạch, Hào Nam và Vũ Thạnh. Khu vực đường Đặng Tiến Đông có giá đất thấp nhất trong số 5 con đường được khảo sát, ở mức 310 triệu đồng/m2, thấp hơn giá đất tại đường Thái Hà đến khoảng 90 triệu đồng/m2 dù hai con đường này nằm cách nhau chỉ chưa đầy 300m.
Theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường Gạch Vàng, xét về yếu tố biến động giá bất động sản so với cùng kỳ năm 2017, đường An Trạch có mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng với hơn 106% (tức là giá đất năm nay gấp hơn hai lần giá đất năm trước). Theo sát nút là đường Đê La Thành với mức tăng hơn 97% (gần gấp đôi).
Trong khi đó, mức tăng giá tại đường Nguyễn Viết Xuân lại chỉ là gần 24%. Như vậy, giá đất tại khu vực nội thành (trên các con đường thuộc quận Đống Đa, Ô Chợ Dừa và Cát Linh) đang có tốc độ tăng trưởng nhanh gấp hơn 4 lần so với khu vực ngoại thành (quận Hà Đông).
Cẩn trọng với chiêu trò “thổi giá”
Không chỉ giá đất thổ cư dọc theo hai bên đường sắt trên cao tăng chóng mặt mà nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản cũng dựa vào tuyến đường sắt này để đẩy giá. Theo khảo sát, các dự án chung cư mọc lên hai bên tuyến đường này đều thay đổi nội dung quảng cáo từ đầu năm với nội dung mới “nằm sát cạnh tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ”, “cách ga đường sắt chỉ vài trăm mét, quên đi nỗi lo tắc đường”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Đào Văn Châu – Giám đốc sàn bất động sản Long Châu – cho biết, dọc tuyến đường sắt đô thị có các dự án dày đặc như KĐT Văn Phú, FLC Star Tower, TNR GoldSeason.
“Giá nhà các dự án này điều chỉnh theo quý, từ năm ngoái tới nay nhìn chung các dự án đã tăng 15% đến 30% giá chung cư, còn đất nền thì tăng mạnh lên cả 100%” – anh Châu nói.
KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam – đánh giá, thường ở các khu vực có đầu mối ga, nơi đặt các trạm nghỉ thì giá trị đất đai sẽ được kích thích tăng cao.
“Nhưng những nơi mà đường sắt đô thị chỉ đi qua (không có trạm dừng) thì giá trị đất lại thấp đi bởi ở những nơi này người dân không tiếp cận được với tuyến metro, tiếng ồn, bụi, rung chấn do tàu chạy nhanh sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống tại đây, đó là chưa kể đường tàu thường cao hơn nhà rất nhiều. Tâm lý chung là không ai thích ở những khu vực này” – KTS Tùng nói thêm.
Trong khi đó, một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc giá đất, giá nhà tăng theo tuyến đường sắt đô thị là có thật, tuy nhiên mức tăng tới 100% thì người mua nên cẩn trọng.
“Giá nhà, đất nếu tăng chỉ 10% đến 20% thì có thể chấp nhận được nhưng nếu tới 100% thì tôi nghĩ là đã xuất hiện thổi giá. Các chủ đầu tư quảng cáo dự án gần ga, trạm dừng đường sắt thì hiệu quả kinh doanh chắc chắn sẽ cao hơn nhưng đó chỉ là suy đoán của chủ đầu tư còn thực sự tăng hay giảm thì chưa ai rõ” – vị lãnh đạo này cảnh báo.
Source link