[ad_1]
UBND tỉnh Điện Biên cho biết, chỉ có thể đầu tư CHK Điện Biên bằng hình thức PPP mới có thể triển khai nhanh dự án này. Đây có thể là cơ sở để sắp tới triển khai đầu tư CHK Điện Biên tương tự CHK Vân Đồn ở Quảng Ninh.
Hơn 4.400 tỷ đồng xây mới sân bay Điện Biên
Công ty CP Hàng không Vietjet vừa đề xuất UBND tỉnh Điện Biên, Bộ GTVT thực hiện dự án đầu tư và xây dựng, mở rộng CHK Điện Biên đáp ứng công suất 2 triệu khách/năm.
Cụ thể, Vietjet đề xuất đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm nhà ga hành khách mới công suất 2 triệu khách (có thể mở rộng nâng công suất khi có nhu cầu), khu bay, đường giao thông kết nối và hạ tầng hàng không. Tổng mức đầu tư (bao gồm cả chi phí lãi vay) theo báo cáo của Vietjet lên tới 4.485 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho nhà ga là hơn 682 tỷ đồng, khu bay 806 tỷ đồng, GPMB hơn 1.100 tỷ đồng…
Điện Biên là sân bay cấp 3C, hiện có 3 vị trí đậu, đảm bảo khai thác các loại tàu bay ATR72 và tương đương. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 300.000 hành khách/năm (công suất phục vụ giờ cao điểm 3 chuyến bay với tổng số hành khách là 180 hành khách). Năm 2016, CHK Điện Biên đã phục vụ 70.302 hành khách; Năm 2017: phục vụ 70.486 hành khách. Theo kế hoạch năm 2018 dự kiến, Điện Biên sẽ phục vụ 70.486 hành khách.
Đáng lưu ý, khu nhà ga hành khách (nhà ga, sân đỗ ô tô và hạ tầng giao thông) được Vietjet đề xuất thực hiện theo hình thức BOT với thời gian hợp đồng là 50 năm. Sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng, nhà đầu tư được quyền ưu tiên thuê lại để tiếp tục khai thác. “Để tăng hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác, Vietjet sẵn sàng hợp tác với TCT Cảng hàng không VN (ACV) để thành lập Công ty CP với tỷ lệ vốn góp của ACV không quá 30%”, Phó tổng giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương cho biết.
Đối với các công trình thuộc khu bay gồm; đường băng, đường lăn, sân đỗ, Vietjet đề xuất sử dụng 100% vốn ngân sách. “Trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, chúng tôi có thể ứng vốn để đầu tư”, ông Phương nói thêm.
Bày tỏ mong muốn được Bộ GTVT ủng hộ giao Điện Biên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, đề xuất của nhà đầu tư hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành. Trong đó, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư so với phần vốn của Nhà nước là hợp lý (lên tới 31%).
“Nhà đầu tư cũng quyết tâm đồng hành với tỉnh Điện Biên thông qua việc đề xuất ứng vốn để đầu tư vào khu bay”, ông Đô nói và thông tin: Điện Biên đã sẵn sàng bố trí 1.100 tỷ đồng chi phí GPMB cũng như đã xong phương án đền bù, tái định cư 936 hộ ảnh hưởng.
Cho rằng chỉ có thực hiện theo hình thức PPP mới có thể triển khai nhanh CHK Điện Biên, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đình Giang nói: “Nếu đồng ý giao tỉnh làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tỉnh Điện Biên sẽ kiến nghị Thủ tướng cho cơ chế đặc thù, cụ thể là tạm ứng vốn 2021 để đầu tư trước”.
BOT cả nhà ga, đường băng, đường lăn, sân đỗ mới khả thi
Ủng hộ Điện Biên đầu tư, nâng cấp sân bay Điện Biên, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, hiện không có quy định nào cho phép ứng vốn như đề xuất của Vietjet. “Đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ đóng cửa bất cứ lúc nào mà Chính phủ còn chưa cho cơ chế để ACV ứng vốn”, Thứ trưởng Thọ dẫn ví dụ.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) Trần Minh Phương cho hay, đề xuất ứng vốn của Vietjet không khả thi vì vướng Luật Đầu tư công, Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho rằng, việc đầu tư nâng cấp CHK Điện Biên không chỉ là mong muốn của địa phương mà còn là “nung nấu” của ngành Hàng không trong nhiều năm. “Trong kế hoạch đầu tư của mình, ACV dự kiến đầu tư toàn bộ CHK mới bao gồm hệ thống khu bay, đường băng, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách”, ông Thanh nói và khẳng định: Nếu Bộ GTVT giao, ACV sẽ cân đối nguồn vốn để triển khai. Trường hợp Nhà nước có chính sách huy động nguồn vốn xã hội huy động đầu tư PPP, ACV cũng hoàn toàn ủng hộ.
“Chuyển giao cho tỉnh Điện Biên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ dễ dàng hơn trong huy động nguồn lực. Tuy nhiên, nếu đầu tư theo quy hoạch điều chỉnh, sẽ phải đầu tư gần như toàn bộ, vì cả đường băng, nhà ga cũ đều bỏ. Với kinh nghiệm làm hàng không, đã làm PPP, phải học như Vân Đồn, làm toàn bộ mới có thể xin được cơ chế”, ông Thanh gợi ý.
Khẳng định quyết tâm đầu tư vào Điện Biên, ông Đinh Việt Phương cho hay: “Chúng tôi sẵn sàng ứng vốn để làm. Tuy nhiên, nếu việc ứng vốn khó khăn thì địa phương sẵn sàng chi hơn 1.100 tỷ đồng để GPMB, Vietjet có thể tiếp tục nghiên cứu, bàn bạc để có thể đứng ra đầu tư toàn bộ sân bay”.
“Đây sẽ là đột phá khẩu để triển khai mô hình tư nhân đầu tư sân bay ngoài Vân Đồn”, ông Phương nói thêm.
Source link