TP.HCM: Người dân có nhà đất ven kênh rạch sẽ hết sức vui mừng khi biết được thông tin này

Đó là nội dung được đưa ra tại Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức mới đây với nhiều ý kiến đóng góp thiết thực.

Trước đó, theo Quyết định 150 ban hành năm 2004, người dân sống trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, hồ công cộng không được xây sửa, hợp thức hóa, chuyển mục đích sử dụng, mua bán nhà đất… dẫn đến tình trạng nhiều gia đình sống trong hành lang sông, suối, kênh rạch rơi vào nghịch cảnh.

Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, vừa qua lãnh đạo Thành ủy đã chỉ đạo Sở GTVT rà soát việc quản lý, sử dụng quỹ đất này. Theo đó, Sở GTVT đã xây dựng dự thảo, lấy ý kiến của các quận, huyện, sở, ngành và đã hai lần báo cáo UBND TP.

Thông tin vui với những người dân sống trong hành lang chính là dự thảo đã cho phép người dân có nhà, đất trong hành lang được khôi phục nhiều quyền lợi.

Cụ thể: Đối với đất ở nằm trong hành lang của hộ gia đình, cá nhân có nguồn gốc và quá trình sử dụng trước ngày 24/6/2004 (thời điểm Quyết định 150 có hiệu lực) thì được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và cấp phép xây dựng nhà ở.

Riêng đối với đất ở có trước thời điểm trên nhưng chưa có nhà ở (chưa xây dựng) thuộc phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ nhưng ngoài phạm vi mép bờ cao vào trong bờ 20 m (với hành lang 30-50 m), không thuộc phạm vi dự án chỉnh trang đô thị, di dời tái định cư, cải thiện đời sống cho các hộ dân thì cũng được xem xét cấp phép xây dựng.

Đối với nhà ở hiện hữu nằm trên sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng (dạng nhà sàn) thì được phép tồn tại và được sửa chữa, cải tạo, gia cố theo nguyên trạng, không thay đổi quy mô, diện tích, kết cấu nhà cũ. Có thể thay sàn, mái, vách bằng vật liệu nhẹ để chống sập, sạt lở.

Với trường hợp nhà ở nằm trong hành lang 20m thì (với hành lang 20-50m) cũng được cho tồn tại và cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng nhà cũ, có thể được thay thế bằng kết cấu mái tôn, ngói, tường gạch. Từ 20m này trở vào đất liền thì được cấp phép xây dựng với quy mô hai tầng, không kể tầng lửng và mái che cầu thang. Chiều cao tối đa 12,2m so với cốt vỉa hè hoàn thiện.

Theo ông Minh, nếu nhà người dân có trước thời điểm quy hoạch hành lang thì trừ 20 m từ mép sông trở vào, mọi quyền lợi hợp pháp về nhà, đất của người dân được thực hiện bình thường, chỉ hạn chế về chiều cao xây dựng như đã nêu trên.

Một điểm đáng chú ý là Dự thảo thay thế Quyết định 150 cũng quy định đối với dự án phát triển nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ trên bờ đã có đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500, đã được phê duyệt trước thời điểm có quy hoạch thì vẫn được duy trì nguyên trạng theo đúng vị trí, quy mô đã duyệt đối với các công trình đã xây dựng hoàn chỉnh theo giấy phép xây dựng hoặc theo đồ án quy hoạch 1/500 hoặc theo dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, được cấp giấy đỏ và đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Trong trường hợp Nhà nước cần giải tỏa, thu hồi đất để xây dựng các công trình khác thì được xem xét bồi thường theo quy định. Các lô đất thuộc dự án phát triển nhà ở (chưa xây nhà) thì được tiếp tục xây dựng nhà theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã duyệt.

Các hộ dân thuộc trường hợp này được tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng theo đúng quy mô công trình đã duyệt với công trình đang đầu tư xây dựng. Trong trường hợp công trình đang đầu tư xây dựng mà không đúng giấy phép xây dựng hoặc không theo tỉ lệ 1/500 thì Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, thống kê và có biện pháp xử lý trình TP xem xét quyết định.

Nam Phong

Theo Trí thức trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *