Người nước ngoài đang sử dụng trên 46 ngàn ha đất tại Việt Nam

[ad_1]

Đó là thông tin từ báo cáo tình hình quản lý nhà nước về đất đai vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Chính phủ cho biết, cả nước hiện có 33.123.078 ha đất, trong đó 31.010.279 ha đã được sử dụng vào các mục đích, chiếm 93,62% tổng diện tích tự nhiên.

Kiến nghị thu hồi 16.755 ha đất của 250 tổ chức

Sử dụng số liệu thống kê đất đai năm 2016, báo cáo nêu, diện tích đất đã được giao cho các đối tượng sử dụng là 26.851.354 ha, chiếm 81,07% tổng diện tích các loại đất.

Các tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng 46.140 ha chiếm 0,17% tổng diện tích của cả nước và chiếm 0,17% tổng diện tích đất của các đối tượng sử dụng.

Theo đánh giá của Chính phủ thì nhìn chung, việc áp dụng quy định về các điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã bước đầu sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực. Hạn chế đáng kể việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan, sử dụng kém hiệu quả và để hoang hóa so với trước đây.

Về giá đất, báo cáo nêu rõ, đến nay 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, ban hành và công bố công khai bảng giá đất theo quy định. Công tác xác định giá đất cụ thể đã được các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện theo quy định, quy trình (thông qua hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thẩm định trước khi ủy ban nhân dân quyết định giá đất).

Số tiền thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) đã tăng qua các năm cho ngân sách nhà nước. Cụ thể: năm 2013 là 54.434 tỷ đồng, năm 2014 là 55.138 tỷ đồng, năm 2015 là 84.810 tỷ đồng, 2016 là 115.290 tỷ đồng, 2017 là 104.400 tỷ đồng và 4 tháng đầu năm 2018 là 32.200 tỷ đồng.

Trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, Chính phủ nhận định đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều “điểm nóng”, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết.

Từ năm 2012 đến năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp 2.672 lượt công dân và nhận được 20.813 đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai của 10.162 vụ việc.

Trong 3 năm (2014 – 2016), toàn ngành tài nguyên và môi trường đã tiến hành 6.028 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó 3.388 cuộc thanh tra và 2.640 cuộc kiểm tra) đối với 4.061 tổ chức và 580 cá nhân.

Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính 541 tổ chức, cá nhân sử dụng đất với tổng số tiền 21.657 triệu đồng, truy thu, thu hồi nộp ngân sách 1.005,485 triệu đồng của 55 tổ chức. Kiến nghị thu hồi 16.755 ha đất của 250 tổ chức, thu hồi 228 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 18 tổ chức.

Trung ương khó kiểm soát

Bên cạnh kết quả, báo cáo của Chính phủ cũng nêu không ít hạn chế, nhất là trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai.

Chính phủ cho rằng, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan, như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Xây dựng, Nhà ở, Công chứng,…, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định của pháp luật, dẫn tới chưa khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội.

Cụ thể, chưa có sự đồng bộ trong trình tự thực hiện xác định nhu cầu sử dụng đất, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và điều kiện chuyển nhượng dự án giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai.

Chưa phân định rõ các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất theo pháp luật đấu thầu và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, dẫn tới việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu là theo chỉ định, cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất đất không được thực hiện. Hay, giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý công sản trong đó có đất đai còn chồng chéo.

Đáng chú ý, việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác nguồn lực đất đai thực hiện còn rất hạn chế, hầu hết là vẫn thực hiện giao, cho thuê trực tiếp cho các nhà đầu tư.

Tình trạng dự án Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng tuy đã được khắc phục nhưng vẫn còn xảy ra gây lãng phí nguồn lực đất đai; quy định chuyển sang thuê đất của các tổ chức sự nghiệp công lập vẫn chưa được các địa phương nghiêm túc thực hiện.

“Việc phân cấp mạnh thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho địa phương qua thực tế triển khai thực hiện đã nảy sinh tình trạng Trung ương không kiểm soát chặt chẽ được việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại các vị trí xung yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh và quyết định đối với việc sử dụng đất của các dự án có tầm quan trọng quốc gia”, báo cáo nêu rõ.

Hạn chế nữa là việc thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai rất khó khăn, nhất là các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.

Theo đánh giá của Chính phủ, chính sách tài chính về đất đai còn có những điểm bất cập nhất là việc điều tiết nguồn lợi thu được từ đất đai để đảm bào hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và doanh nghiệp.

[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *