[ad_1]
Trước thực trạng nhà ở xã hội quy hoạch nhiều nhưng làm nhỏ giọt như hiện nay, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn có thể thực hiện được nếu cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý tìm được tiếng nói chung.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu đầu tư, chuyển hướng phát triển nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ và thân thiện môi trường, với các căn hộ vừa và nhỏ (từ 1-2 phòng ngủ) có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn; và tích cực tham gia chương trình nhà ở xã hội. Nghĩa là doanh nghiệp cần chủ động trong chiến lược đầu tư của mình thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không thể thực hiện được chính sách nhà ở xã hội đâu, mà phải xã hội hoá bằng chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển loại nhà ở quy mô vừa và nhỏ với giá vừa túi tiền.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng nhà giá rẻ hoàn toàn có thể làm được ở TPHCM tại các quận, huyện vùng ven, ngoại thành như Quận 12, huyện Bình Chánh, Hoóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè. Vấn đề ở chỗ cơ quan quản lý có quy định thế nào và cơ chế khuyến khích ra sao.
Từ kinh nghiệm xây nhà giá rẻ cho công nhân, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, để làm được căn hộ có giá rẻ bán cho công nhân thì cần phải có sự chung tay và sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhà nước hỗ trợ quỹ đất sạch, cơ chế, thủ tục hành chính chứ không thể “bao sân” hết, vì vậy cần thực hiện xã hội hóa. Mặt khác, các dự án nhà xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp phải phù hợp với quy hoạch phát triển gắn với các tiện ích đi kèm.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phân tích, trong quá trình triển khai làm thì có quỹ đất sẵn, một phần mình dành đất, một phần giao đất cho nhiều doanh nghiệp theo từng khu một, phải làm quy hoạch rất cụ thể. Chiến lược phát triển nhà ở xã hội có thêm những đặc thù khác: không xa các cơ sở hạ tầng về xã hội như chợ, trường học, bệnh viện cho nên rất thuận tiện.
Còn Sở Xây dựng TPHCM cho biết, ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình cho vay mua nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc với lãi suất 4,8%/năm. Riêng tại TPHCM sẽ cho vay với lãi suất 4,7%, thời hạn cho vay trong vòng 15 năm. Thậm chí đại diện Sở Xây dựng còn cho rằng, để công nhân có thể mua nhà, doanh nghiệp có thể xây nhà giá rẻ thì cần phải có một mức lãi suất cho vay thấp hơn.
Một hình thức nhà ở cho công nhân khác đang rất được quan tâm đó là mô hình Thiết chế công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đang tích cực triển khai thực hiện quyết định 655 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các thiết chế công đoàn phục vụ công nhân lao động. Trong thiết chế sẽ gồm có nhà ở, nhà văn hóa đa năng, quảng trường, nhà trẻ, văn phòng tư vấn pháp luật, y tế, siêu thị, vườn hoa cây cảnh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác….
Theo tính toán, mỗi căn hộ điển hình trong thiết chế công đoàn có diện tích 31 m2, nếu thuê với giá 1,8 triệu/tháng (tức cũng tương đương với giá thuê nhà) thì khoảng 7 năm sau căn hộ sẽ thuộc sở hữu của công nhân; ngoài ra còn được ngân hàng ưu đãi cho vay trả góp.
Đáng nói là đã có hàng chục địa phương trên cả nước bố trí được quỹ đất sạch, nhưng khu vực nhu cầu bức thiết nhất là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương lại vướng về đất đai, chưa có quỹ đất cho xây dựng thiết chế.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Bùi Văn Cường khẳng định, nếu địa phương bố trí quỹ đất sạch, Tổng liên đoàn sẽ đầu tư, mỗi một khu tùy theo diện tích 3 đến 5 héc-ta sẽ có tổng mức đầu tư từ 500 đến 700 tỷ đồng, trong đó Tổng liên đoàn sẽ bỏ ra khoảng 100 tỷ, còn lại là phần xã hội hóa, kết quả sẽ có mức giá rất rẻ cho nhà ở công nhân.
Cuốn chiếu xây ở khu này chuyển sang khu khác. Công nhân thuê hoặc mua thì sẽ phải trả nhưng với chi phí rẻ nhất. Vì sao rẻ nhất? Thiết kế chung đi xây ở khắp nơi, không mất phí thiết kế. Địa phương cấp đất sạch cho đến hàng rào, còn bên trong là do Tổng Liên đoàn lo. Do đó sẽ rất rẻ, dao động xung quanh 5 triệu, 6 triệu, 3 triệu, 3,5 triệu/m2.
Tại cuộc gặp gỡ công nhân lao động tỉnh Đồng Nai năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề nhà ở cho công nhân. Theo Thủ tướng, các địa phương đã có sự quan tâm chăm lo đời sống công nhân nhưng nhu cầu quá lớn trong khi nguồn lực thì hạn hẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tất cả các địa phương trước hết là quy hoạch đất đai để làm những chung cư, căn hộ cho công nhân để giải quyết bớt bức xúc về nhà ở hiện nay, đồng thời cho biết Chính phủ sẽ có các chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân lao động.
Chính phủ sẽ có những chính sách về thuế, hỗ trợ ngân sách cùng Tổng Liên đoàn Lao động làm việc này. Trước hết tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương dành một khu vực đất đai không nhất thiết phải là ở ngay khu công nghiệp, khu chế xuất hay khu kinh tế, những vị trí cần thiết để chúng ta quy hoạch chỗ phát triển nhà ở, chung cư cho công nhân, giải quyết bức xúc.
Việc triển khai xây dựng các thiết chế gắn với xây dựng nhà ở xã hội như đề án mà Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đặt ra đã đáp ứng sự mong mỏi của hàng triệu công nhân lao động. Nhìn rộng hơn, bài toán về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân có thể được giải một cách căn cơ nếu như các vướng mắc về mặt chính sách, chủ trương được giải quyết, kết hợp với nguồn lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước dựa trên ý nghĩa xã hội tốt đẹp mà nhà ở xã hội mang lại.
Nơi ăn chốn ở có vai trò quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình. Giải được bài toán về bài toán về nhà ở còn thể hiện sự quan tâm chăm lo của cả hệ thống chính trị tới công nhân, người lao động, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”./.
Source link