[ad_1]
Hiện tại, nội dung đồ án đã được toàn thể nhân dân thành phố đóng góp ý kiến đồng tình ủng hộ và đã được Thường trực UBND tỉnh cũng như Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Và sau đó, tỉnh đã chính thức có tờ trình trình Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này được lập trên toàn bộ phạm vi, ranh giới diện tích tự nhiên (gồm bán đảo Vũng Tàu, đảo Long Sơn và đảo Gò Găng), có tổng diện tích 15.043ha và quy mô dân số chính thức khoảng 650.000 người (khả năng đáp ứng 700.000 – 800.000 người).
Điểm nổi bật của đồ án điều chỉnh quy hoạch TP. Vũng Tàu lần này là không khống chế chiều cao tối đa các công trình mà chỉ khống chế hệ số sử dụng đất (tổng diện tích sàn/diện tích đất), khống chế tầm nhìn theo góc tới hạn, đối với khu vực gần núi thì khống chế chiều cao không cao quá 2/3 núi.
Không khống chế tầng cao tại 2 quảng trường biển. Trong đó có một vài cụm rất cao tầng (từ 30 – 45 tầng), dàn đều độ cao trung bình (20 tầng), xen kẽ thấp tầng (≤ 05 tầng).
Đặc biệt, đồ án lần này đề cập đến vấn đề lấn biển, trong đó, thống nhất việc lấn biển không phải để mở rộng thêm diện tích đất xây dựng đô thị mà chỉ xem xét lấn biển để phát triển các dự án dịch vụ du lịch, công cộng cao cấp, tạo ra sự khác biệt với các dự án khác.
Với tiêu chí, chỉ lấn biển để cải tạo, chỉnh trang tại các khu có bãi đá ngầm, có địa chất tốt, có cảnh quan xấu, các khu đầm lầy; chỉ xây dựng các công trình lấn biển theo điểm nhìn, hạn chế tối đa việc kéo dài theo chiều ngang che chắn tầm nhìn biển, trong đó có các khu vực Bãi Trước – Bãi Dâu, mũi Nghinh Phong, Chí Linh – Cửa Lấp và một số khu vực khác.
Đối với Dự án công viên Bàu Sen trước đây được quy hoạch là công viên cây xanh, tuy nhiên, do thực tế hiện nay diện tích công viên bị thu hẹp, do dân cư hiện hữu đang sinh sống tại khu vực giáp các tuyến giao thông chính. Vì vậy, trong quy hoạch lần này thống nhất thu hẹp diện tích công viên để quy hoạch mảng xanh công cộng thành phố, nhằm tăng tính khả thi của đồ án.
Cấu trúc không gian kinh tế bao gồm 3 hành lang kinh tế: Công nghiệp – Đô thị – Du lịch và 2 cụm động lực kinh tế: Long Sơn – Gò Găng. Do vậy, cấu trúc phát triển không gian đô thị được định hướng tiếp tục ổn định theo quy hoạch cũ 2005 và theo mô hình tuyến – cụm và vành đai sinh thái.
Trong đó, các tuyến theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, bao gồm trục công nghiệp, cảng dọc đường 30/4 (QL51A), trục đô thị dọc đường 2/9 (QL51B) và trục du lịch dọc đường 3/2 (QL51C).
Còn vành đai sinh thái đô thị bao gồm: Vùng sinh thái sông rạch ngập mặn Cửa Lấp, Bắc Phước Thắng, Gò Găng, Long Sơn và hành lang ven biển. Các khu vực sinh thái ngập mặn Bắc Phước Thắng, đảo Gò Găng, Long Sơn, khu vực ven sông rạch chỉ nghiên cứu quy hoạch mật độ thấp từ 15 – 25% và khuyến khích sử dụng vật liệu tự nhiên.
Với tổng diện tích khu vực lập điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035 là 15.043ha (tăng hơn 1.000ha so với quy hoạch năm 2005).
Theo phương án quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035, thành phố được định hướng phát triển theo các phân khu chức năng như: phân khu đảo Long Sơn; phân khu đô thị Gò Găng; phân khu Bắc Phước Thắng (phường 12); phân khu Chí Linh – Cửa lấp (phường 10,11,12);
Phân khu Bắc Vũng Tàu (các phường 10, 11, 12, Nguyễn An Ninh, Thắng Nhất, Rạch Dừa); phân khu công viên văn hóa Bàu Trũng (phường Nguyễn An Ninh); phân khu Trung tâm đô thị, thương mại – tài chính (khu sân bay hiện hữu);
Phân khu Bãi Sau – Paradise (phường 2, 8, Thắng Tam); phân khu Nam Vũng Tàu (phường 1,2,3,4,5,7,8, một phần phường 9, phường Thắng Tam, Thắng Nhì và phường Nguyễn An Ninh); phân khu Sao Mai – Bến Đình (phường Thắng Nhì, phường 9); phân khu Núi Lớn – Núi Nhỏ (phường 1, 2, 5, Thắng Nhì).
Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã cơ bản thống nhất với nội dung Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035. UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP Vũng Tàu và đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung, hoàn chỉnh Đồ án trình Bộ Xây dựng thẩm định.
Source link