[ad_1]
Hàng trăm dự án vi phạm về đất đai
Báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường và Hà Nội (việc quản lý sử dụng đất đối với các dự án vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2012-2017) thống kê được 211 dự án tổng diện tích trên 44 triệu m2 chậm triển khai, để đất hoang hoá. Trong đó, có dự án đã được thành phố kiểm tra phát hiện từ năm 2012 nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.
Ngoài số dự án chậm tiến độ theo thông kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, báo cáo của 22 quận, huyện của Hà Nội phát hiện thêm 172 dự án chậm triển khai, nâng tổng số các dự án trong diện này lên 383 trường hợp. Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án; Mê Linh 50 dự án; Nam Từ Liêm 48 dự án; Hoàng Mai 25 dự án; Bắc Từ Liêm 23 dự án…
Có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định. Ví dụ như: Công ty Công viên cây xanh Hà Nội (dự án Mở rộng vườn ươm Cổ Nhuế), Công ty Thủ đô II (dự án Trung tâm ngôn ngữ Việt – Lào), Công ty Tân Á Đại Thành (dự án khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng…
Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt “treo” 14 năm nay.
Hàng trăm dự án “treo” của Hà Nội không chỉ lãng phí nguồn lực về đất đai của thành phố Hà Nội, còn khiến hàng nghìn người dân trong diện giải phóng mặt bằng phải sống lay lắt, tạm bợ tại những khu vực dự án “treo”.
Bà Nguyễn Thị Loan, ở phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) đã sống tại khu vực dự án “treo” khu đô thị mới Thịnh Liệt 14 năm nay cho biết: “Nhà tôi mái dột nát, tường nứt ngang dọc khắp nơi, nhưng vì trong diện quy hoạch khu đô thị mới Thịnh Liệt nên không được phép sửa chữa, xây dựng. Gia đình cũng không đủ điều kiện chuyển đi nơi khác”.
Thu hồi nhưng cần tính phương án sử dụng hiệu quả
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” với Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài cụ thể. Thời hạn là 24 tháng không sử dụng dự án sẽ bị thu hồi đất và tài sản trên đất, đây là quy định không phù hợp. Vì Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu, nhưng nếu tịch thu đất lại thu luôn tài sản đầu tư trên đất, như vậy là trái với quy định. Chủ đầu tư có thể vi phạm là chưa đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ, nhưng tài sản được hình thành là hợp pháp.
“Chúng ta xử lý các dự án “treo” bằng biện pháp tài chính và thuế, có thể ra một mức phạt rất nặng, ví dụ cứ để đất chậm 1 năm không sử dụng bị phạt bằng 30% tiền sử dụng đất phải nộp. Đây là quy định để nhà đầu tư có trách nhiệm cao hơn trong việc triển khai đầu tư sử dụng đất, khi chủ đầu tư không có khả năng đầu tư phải tìm cách chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác” – GS Võ nói.
Hàng trăm dự án “treo” đang lãng phí nguồn lực về đất đai. |
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Hà Nội rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm, nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai là điều nên làm sớm. Tuy nhiên, Hà Nội cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án “ôm đất” gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
“Cần có kế hoạch rõ ràng trong việc thu hồi các dự án, xử lý các dự án vi phạm, đưa ra được danh mục đầu tư sử dụng khi thu hồi các đất các dự án. Tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí nguồn tài nguyên đất” – TS Liêm cảnh báo.
Dự án “treo” là câu chuyện không mới của Hà Nội nhưng vẫn đang tồn tại gây bức xúc trong xã hội. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ quan quản lý trực tiếp thế nhưng trong báo cáo số liệu thống kê các vi phạm về đất đai là dự án chậm tiến độ, bỏ hoang lại “sót” 172 dự án. Các dự án “treo” được bổ sung dựa trên báo cáo của các quận huyện và đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố đưa ra. Dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi về sự tích cực của đơn vị quản lý trực tiếp về đất đai?
Cần có chế tài đủ mạnh, hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng để có thể sớm xóa được các dự án bỏ hoang, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai quý giá./.
Source link