[ad_1]
“Chắc chắn Hà Nội không thể có nguồn vốn để xây sân vận động mới trong ít nhất 10 năm nữa nếu quy đổi từ nguồn vốn đầu tư công năm 2018”.
Liên quan đến kế hoạch xây mới sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) với số vốn đầu tư dự kiến hơn 6.300 tỷ đồng, chuyên gia quản lý đô thị, Thạc sĩ Đinh Quốc Thái – người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, đã chia sẻ một góc nhìn đáng chú ý về dự án này.
Ông nói:
– Cá nhân tôi thấy, việc xây sân vận động Hàng Đẫy là việc làm cần thiết và có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, nó sẽ mang lại nhiều giá trị cho xã hội, cho người dân, tạo động lực phát triển kinh tế cho thành phố Hà Nội trong tương lai, tạo điểm nhấn về kiến trúc, thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố.
Với tôi, có thể thấy rõ các giá trị, lợi ích về kinh tế, văn hóa, thể thao, kiến trúc đô thị khi Hà Nội có sân vận động mới.
Sân cũ đã xuống cấp nhiều
Những lợi ích cụ thể của sân vận động Hàng Đẫy mà ông nói trên là gì?
Thứ nhất về văn hóa, thể dục – thể thao, du lịch, sân vận động Hàng Đẫy đã xuống cấp nhiều, nhiều chỗ đã không thể sử dụng, thậm chí có cả biển cảnh báo nguy hiểm trên khán đài ở những chỗ nứt gãy, không đảm bảo an toàn cho khán giả khi đến sân nên rất cần phải xây dựng sân vận động mới có mức kiên cố hơn, an toàn hơn.
Khi sân vận động Hàng Đẫy được xây dựng ngoài việc phục vụ các hoạt động thể dục thể thao thì còn phục vụ các sự kiện văn hóa như đại nhạc hội, các chương trình ngày hội giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế, các sự kiện ngoài trời… nên việc có một vị trí mặt bằng như sân vận động Hàng Đẫy ở trung tâm của thành phố hiện nay là phù hợp.
Về khía cạnh du lịch, hiện Hà Nội đang khai thác du lịch ở các công trình mang tính lịch sử nhưng thiếu các công trình mới, điểm đến mới để thu hút du khách, tạo nên sự mới mẻ. Du khách không thể đến Hà Nội năm này qua năm khác chỉ thăm một vài địa điểm đó mà cần có các điểm đến mới.
Bên cạnh khía cạnh về du lịch, Hà Nội cũng cần có các địa điểm vui chơi giải trí lành mạnh, không chỉ dành cho các du khách quốc tế mà còn dành cho chính người dân Thủ đô. Hiện nay, các địa điểm du lịch, vui chơi ở Hà Nội còn ít nên người dân có ít điểm vui chơi, nhất là các hoạt động vui chơi giải trí về buổi tối dành cho giới trẻ.
Tiếp đến là lợi ích về mặt kinh tế.
Hiện nay đầu tư công của Hà Nội khó khăn, trung bình mỗi năm Hà Nội đầu tư công cho tất cả mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực khoảng 34.000 tỷ, năm 2018 kế hoạch vốn được giao đầu tư xây dựng công trình văn hóa, y tế, thể thao và du lịch… là khoảng 796 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư xây dựng của riêng sân vận động này là 6.309 tỷ thì chắc chắn Hà Nội không thể có nguồn vốn để xây sân vận động mới trong ít nhất 10 năm nữa nếu quy đổi từ nguồn vốn đầu tư công năm 2018 nêu trên.
Do vậy, cần xã hội hóa, thu hút vốn đầu tư tư nhân thì mới có khả năng xây sân vận động mới. Khi có sự đầu tư thì thành phố sẽ có nguồn thu từ các dịch vụ mà sân vận động mang lại, đó chính là các khoản thu thuế, phí… và chắc chắn nguồn thu thuế, phí từ các dịch vụ do sân vận động mang lại nhiều hơn so với hiện nay.
Với người dân, khi có sân vận động mới thì các khu vực xung quanh sẽ có điều kiện phát triển các dịch vụ khác, người dân xung quanh được hưởng lợi rất nhiều, có thêm nguồn thu và mức đóng thuế từ các dịch vụ này cho thành phố cũng tăng lên.
Thêm nữa, sân vận động mới sẽ mang đến nhiều việc làm cho người dân quanh khu vực từ việc gia tăng các hoạt động thương mại của khu vực, góp phần tăng doanh thu, cải thiện điều kiện sống. Đây là lợi ích quan trọng vì nó mang lại giá trị dân sinh cao.
Cuối cùng, đó chính là lợi ích về kiến trúc quy hoạch. Hiện trạng quy hoạch khu vực xung quanh sân vận động đang lộn xộn, chưa đẹp mắt, chưa tương xứng với vị trí của khu vực trung tâm thành phố. Nhưng khi có một công trình mới có kiến trúc đẹp thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng kéo theo các công trình khác xung quanh cũng sẽ dần trở nên đẹp hơn qua các quá trình cải tạo và xây dựng sau này.
Như vậy, sân vận động Hàng Đẫy sẽ là điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc đô thị khu vực. Bên cạnh đó, khi có sân vận động mới thì hạ tầng xung quanh đó sẽ được đồng bộ, đẹp hơn, tiện nghi hơn bao gồm các hạng mục như đường, vỉa hè, chiếu sáng, nhà chờ, biển báo và các tiện ích đô thị khác…. mang lại diện mạo mới hiện đại hơn, sạch sẽ hơn.
Với những giá trị như vậy thì tôi cho rằng việc Hà Nội xây mới sân vận động Hàng Đẫy trên vị trí cũ là phù hợp và cần thiết.
Một số hình ảnh phối cảnh và sơ đồ quy hoạch tổng thể của dự án xây mới sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội.
Áp lực giao thông không lớn
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, khi xây sân vận động mới thì sẽ gây ra tắc đường quanh khu vực này?
Sân vận động Hàng Đẫy khi xây mới có sức chứa tối đa 20.000 người, không nhiều hơn so với quy mô hiện tại. Số lượng người này không mất nhiều thời gian để đến và rời đi bởi năng lực đáp ứng số lượng người, phương tiện giao thông quanh sân vận động đang lớn hơn.
Quanh khu vực sân vận động có các bãi đỗ xe, các điểm trung chuyển, nhà chờ của các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, BRT và nhất là hai tuyến đường sắt đô thị, metro sắp hoàn thành.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vận hành vào năm 2019 có khả năng chuyên chờ 28.500 khách/giờ, tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn – ga Hà Nội đi qua ga ngầm trên phố Cát Linh có khả năng chuyên chở 15.000 người/giờ. Các ga của hai tuyến đường sắt đô thị này cách sân vận động từ 300-500m khá thuận tiện cho hành khách đi bộ đến sân.
Nên khi các tuyến đường sắt đô thị này đi vào hoạt động sẽ góp phần rất nhiều trong việc vận chuyển hành khách đến sân.
Thêm nữa, thực tế không phải lúc nào sân vận động Hàng Đẫy cũng có sự kiện, việc tập trung đông người vào sân không phải thường xuyên, tần suất không nhiều và nếu có sự kiện như trận đấu của câu lạc bộ Hà Nội thì không phải lúc nào cũng có đến 20.000 người đến sân nên không gây áp lực lớn cho hệ thống giao thông quanh sân vận động Hàng Đẫy như nhiều người nghĩ.
Source link