Hà Nội cưỡng chế giải phóng mặt bằng Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I

[ad_1]

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đáp ứng yêu cầu thu hút nguồn lực đầu tư, ngày 11/9, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 28 hộ dân cố tình không bàn giao mặt bằng. Trong tổng diện tích gần 20.000 m2 đất nông nghiệp phải thu hồi của 28 hộ gia đình tại xã Tân Triều, có 12 hộ đang có công trình trên đất, còn lại là diện tích đất ao, vườn và đất trống.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì, ngày 26/10/2007, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có quyết định về việc thu hồi 357.910m2 đất tại xã Tân Triều giao cho Trung tâm Phát triển qũy đất (thuộc Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng) để tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chuẩn bị mặt bằng thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ diện tích đất Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I, phục vụ xây dựng nhà tái định cư.

Sau đó, ngày 5/10/2010, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư thực hiện dự án giải phóng mặt bằng và san nền sơ bộ Khu đô thị theo địa giới hành chính của huyện.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, căn cứ các văn bản pháp lý, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan giải phóng mặt bằng dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho người dân bị thu hồi đất.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 369 hộ gia đình, cá nhân có đất và tài sản nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng; đã tổ chức công khai phương án và chi trả tiền cho các hộ. Tuy nhiên, trong số đó vẫn còn một số hộ gia đình, cá nhân chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

“Có thể khẳng định, huyện đã hết sức cầu thị, nghiêm túc tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, trao đổi với các công dân, giải đáp mọi thắc mắc, khiếu nại liên quan đến chính sách đền bù. Song, vẫn còn nhiều hộ cố tình chống đối, không chấp hành quy định của pháp luật, buộc huyện và thành phố phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất,” ông Cường khẳng định.

Theo thống kê, trong 97 hộ gia đình đã phê duyệt phương án nhưng chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng, các thửa đất nằm rải rác tại các ô đất mà thành phố giao cho nhiều chủ đầu tư khác nhau. Do vậy, việc cưỡng chế sẽ không triển khai đồng thời mà phải theo tiến độ của từng chủ đầu tư để đảm bảo sau khi cưỡng chế có đơn vị tiếp nhận, quản lý mặt bằng, tránh tái lấn chiếm.

Trước mắt, theo của đề nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thanh Xuân Bắc, huyện sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 triển khai tại các ô đất TT3, TT4, TT7A, một phần tuyến đường số 2, 3, 14, 23. Sau khi kiểm tra, rà soát, chỉ có 28 hộ nằm trong giai đoạn 1 mà công ty này đề nghị nên Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi 19.974,41m2 đất nông nghiệp.

Ghi nhận trong quá trình cưỡng chế giải phóng mặt bằng sáng 11/9, một số hộ dân đã tụ tập phản đối quyết định cưỡng chế của huyện, lực lượng chức năng đã mời người dân về Ủy ban Nhân dân xã Tân Triều giải thích, thuyết phục nhằm giúp người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Chị Cao Thị Hậu, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều cho biết, gia đình chị có hơn 1.000m2 đất được giao theo Nghị định 64 cũng nằm trong diện bị thu hồi phục vụ dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gia đình nhà chị chưa nhận tiền đền bù với lý do tại sao cùng một dự án mà có hộ được nhận đất ở tái định cư, có nhiều hộ thì không được tái định cư?

“Việc đó là không công bằng, yêu cầu các cấp lãnh đạo xã, huyện đối thoại với người dân và giải quyết xem ai đúng ai sai?” chị Hậu bức xúc nói.

Lý giải điều này, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì, Bùi Huy Hoàng cho biết, theo quy định cũ, dự án Tây Nam Kim Giang 1 được áp dụng chính sách hỗ trợ 60m2 đất ở đối với các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Nhưng từ năm 2014, theo chính sách mới của Luật Đất đai 2013 thì các hộ không được hỗ trợ bằng đất mà được hỗ trợ bằng tiền (bằng 5 lần giá đất nông nghiệp theo Quyết định 108/2009/QĐ-UBND).

Theo ông Hoàng, tại thời điểm năm 2013, ngay sau khi thành phố có Văn bản số 48/TB-VP ngày 24/5/2013 về việc tạo điều kiện cho các hộ dân có nguyện vọng bằng đơn sẽ được tiếp tục thực hiện theo cơ chế, chính sách cũ, huyện đã có Thông báo số 52/TB-HĐBTBTHT&TĐC ngày 3/9/2009 đề nghị các hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp chưa được nhận hỗ trợ bằng đất ở tại dự án khác, nếu có nguyện vọng được nhận đất ở gửi bản kê khai và cam kết về Ủy ban Nhân dân xã chậm nhất đến ngày 10/9/2013.

“Thông báo này đã được công khai niêm yết tại Ủy ban Nhân dân xã, Nhà văn hóa thôn Triều Khúc, đọc trên loa truyền thanh của xã và gửi thông báo đến từng hộ gia đình, cá nhân,” ông Hoàng cho biết.

Mặc dù rất rõ ràng, công khai về chính sách nhưng ở thời điểm đó, chỉ có 73 hộ có đơn nên đã được phê duyệt phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng việc giao 60m2 đất ở. Đối với 82 hộ không phối hợp kê khai, không có đơn, huyện đã phê duyệt hỗ trợ bằng tiền.

Không đồng tình với phương án phê duyệt đó, các hộ dân liên tục tập trung đông người khiếu kiện đòi hỏi được phê duyệt lại chính sách hỗ trợ bằng đất ở. Trước tình hình đó, huyện đã đề xuất thành phố cho phép tiếp tục áp dụng chính sách giao đất ở đối với các hộ bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp.

Trả lời đề nghị này, tại Văn bản số 115/BCĐ-NV3 ngày 15/3/2018, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố đã xác định rõ: “Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 chỉ quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng tiền, không còn quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng giao đất ở cho các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp.”

Căn cứ hướng dẫn trên và Luật Đất đai năm 2013, lãnh đạo huyện Thanh Trì đã gặp gỡ trao đổi với các hộ dân thông báo việc áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng giao đất ở đối với các hộ bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp là không có cơ sở để thực hiện.

Minh chứng cho khẳng định này là tại thời điểm tháng 4, 5/2017, một số hộ dân đã làm đơn khởi kiện lãnh đạo huyện cho rằng, huyện thực hiện sai các chính sách giải phóng mặt bằng thì tại các Bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đều kết luận yêu cầu của người dân về bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm bằng đất dịch vụ là không phù hợp sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực…

Cũng theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường cưỡng chế sáng 11/9, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của 28 hộ dân đã được huyện thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy trình thủ tục do Nhà nước quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cưỡng chế và đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì cho biết, sau khi hoàn thành việc thu hồi đất đối với 28 hộ dân này, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tiếp tục cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ đã được phê duyệt nhưng chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Đồng thời, huyện cũng đề nghị thành phố chấp thuận địa điểm bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…/.

[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *