[ad_1]
Một trong những lý do để gia tăng nguồn vốn đầu tư là chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS theo hướng cởi mở hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, thị trường BĐS trong nước đang có lợi thế về chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng vững chắc và tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm đến 50% dân số trong 10 năm tới. Do vậy, tại Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức vào chiều ngày 8/8, nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá rằng đây là thời điểm chín muồi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này.
“Hiện tại đang là đỉnh cao của chu kỳ, nên các nhà đầu tư đang tận dung thời cơ này để bước chân vào thị trường địa ốc Việt. Họ sợ nếu không đầu tư ngay trong giai đoạn này, thì chắc chắn sẽ lỡ mất một nhịp khi mà Chính phủ đang thực hiện một loạt cải cách, tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành…”, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao công ty CBRE Việt Nam, cho biết thêm.
Một số ý kiến khác cũng nhận định rằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, một thị trường BĐS đang phát triển khá sôi động như Việt Nam là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Do đó, hoạt động M&A tại Việt Nam đang được triển khai bởi phần lớn các nhà đầu tư châu Á, mà đứng đầu là các “ông lớn” đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và sắp tới sẽ là dòng vốn mới từ Trung Quốc.
Theo đại diện của công ty KPMG, ngoài các phân khúc như chung cư, BĐS nghỉ dưỡng, thời gian tới cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị, còn mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường BĐS khu công nghiệp tại Việt Nam. Các nhà sản xuất muốn tận dụng lợi thế của Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc hướng đến các thị trường bên ngoài khác.
Tuy nhiên, vị này cho rằng điểm yếu nhất của các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam khi muốn tạo nên một thương vụ thành công chính là việc chia sẻ thông tin.
“Chúng ta muốn thu hút một nguồn vốn lớn để hợp tác cùng phát triển, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không muốn chia sẻ thông tin của mình một cách minh bạch. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài lại muốn mọi thứ phải hết sức rõ ràng để biết được lịch sử kinh doanh của đối tác tiềm năng ra sao. Ngược lại, các công ty Việt Nam chỉ đưa ra những gì họ muốn mà không đưa được cái các đối tác ngoại muốn”, vị chuyên gia này nói thêm.
Thời gian qua, việc các doanh nghiệp BĐS trong nước IPO như Vinhomes, Cenland và nhà nước liên tục thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước giúp các giao dịch M&A trong năm nay được thực hiện một cách dễ dàng hơn vì mọi cái đều minh bạch.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn “săn đuổi” một công ty tiềm năng nào đó chưa lên sàn, họ rất mất thời gian trong việc làm việc giữa các bên để có được thông tin mong muốn. Đó là, minh bạch tài chính, quản trị, pháp lý dự án, pháp lý quỹ đất…
Ông Warick Cleine – Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho rằng một số thách thức có thể làm “hỏng” các thương vụ M&A như thời gian thẩm định hồ sơ quá lâu bởi phải trải qua rất nhiều cấp khác nhau. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần trao quyền cho các cấp chuyên môn thực hiện phê duyệt hồ sơ pháp lý đầu tư theo đúng thẩm quyền của mình, được như vậy sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian chờ đợi của các bên.
Trên thực tế, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ riêng tại TP.HCM hiện có khoảng 500 dự án vẫn đang bị đóng băng, chưa thể đưa vào khai thác. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực nhằm góp phần giải quyết gánh nặng không chỉ cho các chủ đầu tư mà còn của ngân hàng và nền kinh tế…
Tuy nhiên, theo các công ty tư vấn, nhà đầu tư để làm “sống lại” những dự án này không hề đơn giản bởi lý do khiến những dự án này “trùm mền” thì quá nhiều như đang thế chấp tại ngân hàng, vướng bồi thường giải tỏa, chưa đóng tiền sử dụng đất, chủ dự án không đủ năng lực triển khai… Như vậy, để có thể thâu tóm được một dự án như thế, các nhà đầu tư phải trải qua một “rừng” thủ tục, nên xu hướng chính là họ tìm quỹ đất mới hoặc mua luôn các công ty trong nước có dự án sạch.
Trả lời hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài tham dự Diễn đàn M&A trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh Chính phủ nhất quán chủ trương tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, thu gọn lại danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ vốn, chỉ tập trung nắm giữ vốn ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực An ninh Quốc phòng, những lĩnh vực tư nhân không tham gia, và những lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không muốn làm.
Chính phủ kiên trì phương án thoái vốn và thoái vốn mạnh mẽ khỏi các doanh nghiệp đã cổ phần hóa lần đầu. Từ nay đến 2020 cơ bản phải hoàn thành chương trình thoái vốn nói trên.
Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ sẽ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ….Chính phủ kiên quyết cắt giảm các điều kiện kinh doanh và kiểm tra liên ngành. Trong năm nay, 50% điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm, hiện Chính phủ đã cắt giảm khoảng 15%, còn khoảng 40% đang nằm trên bàn các Bộ và Chính phủ.
“Thủ tướng đã có chỉ đạo đến ngày 15/8 này các Bộ ngành phải trình lên Chính phủ để Chính phủ ký duyệt. Các thủ tục kiểm tra liên ngành cũng phải cắt giảm được 50%”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trên cơ sở môi trường kinh doanh được cải thiện tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh trong đó có việc thành lập doanh nghiệp và hoạt động M&A.
Source link