Trình Quốc hội sửa 13 luật liên quan Luật Quy hoạch

[ad_1]

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (Luật Quy hoạch) điều chỉnh việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Theo Phụ lục III Luật Quy hoạch, có 25 luật quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch.

Căn cứ khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác quan đến quy hoạch, bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực thi hành chậm nhất là ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Qua rà soát, các bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 27 bộ luật, luật, bao gồm: 25 luật theo Danh mục tại Phụ lục III Luật Quy hoạch, 1 luật do Bộ Y tế đề xuất bổ sung (Luật An toàn thực phẩm) và 1 luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung (Luật Phòng, chống thiên tai).

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng tháng 03 năm 2018, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch để sửa đổi 10 luật gồm Luật Hóa chất; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Điện lực; Luật Dược; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Luật An toàn thực phẩm; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị có các nội dung sửa đổi liên quan đến quy hoạch.

Tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận bổ sung nội dung sửa đổi quy định về quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị vào Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Như vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng; Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 – 2030.

Báo cáo thẩm tra dự án luật bày tỏ cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch; cho rằng theo quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch, Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp.

Báo cáo thẩm tra cũng khẳng định cơ quan trình dự án Luật đã chuẩn bị tương đối đầy đủ về hồ sơ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản bảo đảm trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Về tên gọi của Luật, Tờ trình của Chính phủ đề nghị tên gọi là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị. Báo cáo thẩm tra tán thành với tên gọi như Tờ trình của Chính phủ, thể hiện trực tiếp được các luật cần bổ sung, sửa đổi, dễ theo dõi và phù hợp với thông lệ đặt tên của các dự án luật; cho rằng tên gọi này cũng loại trừ được khả năng trùng lắp với tên gọi của dự án luật sẽ được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 6 tới đây với cùng mục tiêu thống nhất với Luật Quy hoạch.

Thảo luận tại Hội trường, bày tỏ quan điểm tán thành với sự cần tiết xây dựng và ban hành luật, ý kiến các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng dự án luật phải trên quan điểm tiếp tục bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân hoặc sửa đổi tên các quy hoạch ngành đảm bảo phù hợp với danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I của Luật Quy hoạch. Đồng thời, bảo đảm duy trì các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý nhà nước của các ngành, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có xem xét đến các yếu tố đặt thù của lĩnh vực.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắc), đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam)  cho rằng, việc sửa đổi cần phải rà soát kỹ lưỡng, không nên có sự thay đổi về chính sách ở các luật mà chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề để bảo đảm cho phù hợp với Luật Quy hoạch.

“Những vấn đề mà liên quan đến chính sách, không liên quan đến Luật Quy hoạch thì phải áp dụng thông thường, không đặt vấn đề sửa đổi ở luật này”, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo có đánh giá tác động của nếu luật được ban hành.

Còn đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng đây là luật mà phạm vi tác động rất rộng nên cần phải xem xét hết sức cẩn trọng với sự đánh giá tác động đầy đủ. Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát từ ngữ, kỹ thuật văn bản tại các luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch.

Về tên gọi của Luật, có ý kiến cho rằng tên gọi như vậy là quá dài, nên nghiên cứu lấy tên gọi ngắn hơn, chẳng hạn như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch

Ngoài những vấn đề chung nêu trên, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung cụ thể sửa đổi ở từng luật có liên quan đến Luật Quy hoạch.

[ad_2]
Source link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *